Phá Rào Trong Kinh Tế Vào Đêm Trước Đổi Mới

0
148
Tác Giả:

Vui lòng chọn định dạng file để tải.

Ở Việt Nam và cả nước ngoài, giới nghiên cứu thường coi năm 1986 với Đại hội Đảng lần thứ VI là thời điểm bắt đầu công cuộc Đổi mới. Trong thực tế, trước đó nhiều năm đã có hàng loạt mũi đột phá can đảm, gian nan, trầy trật, mưu trí, sáng tạo, mà theo cách gọi thời đó là những cuộc “phá rào”. Phá rào tức là vượt qua những hàng rào về quy chế đã lỗi thời để chủ động tháo gỡ nhiều ách tắc trong cuộc sống, đồng thời cũng góp phần từng bước dẹp bỏ hàng loạt rào cản cũ kỹ để mở đường cho công cuộc Đổi mới.

Mục tiêu của cuốn sách này là góp phần dựng lại một bức tranh sống động, phong phú về những tìm tòi, tháo gỡ trong thời kỳ “phá rào” đó. Nói đến phá rào, trước hết cần trả lời câu hỏi: Hàng rào là những gì? Đó chính là những thể chế, những nguyên tắc của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành ở Liên Xô và sau đó được áp dụng tại hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ở Việt Nam, mô hình này được áp dụng đầu tiên ở miền Bắc khi bước vào thập kỷ 60. Ngay từ thời kỳ đó, nó cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Đảng, Nhà nước, nhiều nhà kinh tế và nhiều cán bộ địa phương khi thấy rõ điều đó đã có ý thức tìm tòi giải pháp để khắc phục. Các phong trào “Ba xây, ba chống”, “Cải tiến quản lý hợp tác xã”, “cải tiến quản lý xí nghiệp”…được phát động chính là do người ta đã phát hiện ra những vướng mắc của mô hình này và thử tìm cách khắc phục. Nhiều nhà kinh tế cũng đã đề xuất một số ý kiến có tính chất đột phá như: Đa phương hóa xuất nhập khẩu, vận dụng quy luật giá trị trong việc hình thành giá thu mua. Một số địa phương, do sớm nhìn ra những nhược điểm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, đã chủ động áp dụng cơ chế khoán (có nơi áp dụng lén lút như ở Kiến An, Hải Phòng năm 1962; có nơi tiến hành công khai và đại trà trên toàn tỉnh như Vĩnh Phúc năm 1966-1968). Tất cả những mũi đột phá đó đều không đi tới đích như dự kiến. Một phần vì quan hệ quốc tế lúc đó, một phần cũng vì trình độ tư duy chung của cả xã hội đương thời chưa chín muồi cho việc đổi mới. Vả lại, trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiệm vụ đánh giặc được đưa lên hàng đầu, nên những ý tưởng cải cách vẫn còn phải chờ đợi nhiều thập kỷ nữa.

Từ sau giải phóng miền Nam, mô hình kinh tế của miền Bắc được áp dụng cho cả nước. Nhưng hoàn cảnh lúc này đã khác. Nền kinh tế của miền Nam có hàng loạt đặc điểm mà không thể đơn giản áp đặt mô hình kinh tế của miền Bắc vào. Những phản ứng từ cuộc sống không dễ dập tắt chỉ bằng mệnh lệnh, lại càng không thể chỉ bằng một nhát đập bàn của một ai đó. Trước sự sa sút hiển nhiên về kinh tế từ những năm 1978-1979, khó còn có thể tiếp tục giải thích bằng những nguyên nhân nào khác ngoài bản chất cơ chế kinh tế và sự bất lực của những phương sách cứu chữa cũ. Từ đây, bắt đầu thời kỳ rất sống động của việc tìm tòi. Rất nhiều biện pháp phá rào đã diễn ra ở các đơn vị, các địa phương, rất đa dạng và phong phú về phương pháp, về bước đi, về kết quả và nhất là về những phản ứng dây chuyền dẫn tới những sửa đổi cửa chính sách.

Dưới đây, xin lựa chọn 20 cuộc phá rào mà tác giả thấy có thể coi là tiêu biểu cho một ngành nghề, một lĩnh vực, một “nghệ thuật”…

Tất nhiên, khi đã phải phá rào tức là hàng rào có vấn đề. Nhưng mặt khác, đã phải dùng đến giải pháp phá rào thì ngoài những kết quả tích cực, cũng khó tránh khỏi một hệ quả tiêu cực là làm suy giảm hiệu lực của kỷ cương, làm tăng tính tự phát và tạo ra thói quen tùy tiện. Có những tìm tòi lúc ban đầu là đúng hướng, nhưng sau đó, khi cơ chế chính sách đã được sửa đổi, mà cứ đi tiếp theo hướng tự phát thì rất có thể lại mắc phải những sai lầm, tiêu cực, thậm chí sa vào vòng lao lý. Đó cũng là điều khó tránh trong sự nghiệp chuyển đổi của cả một nền kinh tế từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, với biết bao thách thức khó khăn, phức tạp, cạm bẫy. Trong cuốn sách này, mục đích chính của tác giả chỉ là tôn vinh tinh thần tìm tòi, sáng tạo của những cơ sở, của những con người đã tìm được hướng đi đúng, không những cho cơ sở của mình, mà còn tìm ra hướng đi chung cho cả nền kinh tế.

Tác giả đã quan tâm đến chủ đề này từ khoảng 15 năm qua. Đó cũng là thời gian của suy nghĩ, tìm kiếm tư liệu và tiến hành khảo sát tại hàng chục tỉnh và thành phố, sục sạo rất nhiều cơ sở, phỏng vấn hàng trăm người khắp từ Bắc chí Nam, và cả người Việt ở nước ngoài trong các chuyến đi khảo sát ở Nga và Đông Âu để hiểu tường tận hơn những luồng hàng đánh đi và đánh về; lại tận dụng những chuyến đi họp và giảng dạy ở Mỹ, Pháp, Úc, Anh để khám phá những cách thức gửi tiền và hàng về nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng ngầm.

Sau đó, đầu năm 2004, công trình này đã được chấp nhận là Đề tài cấp Bộ của Viện Kinh tế Việt Nam mà tác giả là chủ nhiệm. Công trình được biên soạn xong vào năm 2005 trong sự cộng tác với một số bạn đồng nghiệp trẻ mà tác giả có trách nhiệm hướng dẫn nghiên cứu. Đề tài đã được nghiệm thu chính thức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày với một Hội đồng thật đích đáng: Chủ tịch Hội đồng là GS.TS. Đỗ Hoài Nam (mà sau đó là đồng chủ biên cuốn sách), thành viên Hội đồng kỳ này có nét rất đặc trưng là bao gồm hầu hết chính những vị “anh hùng” của thời “Phá rào” và được nhắc tới rất nhiều lần trong sách như Tư Giao ở Long An, Sáu Hơn ở An Giang, Nhật Hồng ở Vietcombank, Phan Chánh Dưỡng ở “Nhóm thứ 6”, Trần Đình Bút ở Trường Hành chính…

Nhưng suốt bốn năm sau đó, bản thảo vẫn nằm trong máy tính, không phải do bị ai bắt “ngâm” lại, mà chỉ do bản thân tác giả muốn “ngẫm” thêm cho chín hơn, tham khảo lại nhiều người trong và ngoài cuộc cho chắc hơn, nhất là đối với một số trường hợp có những khía cạnh còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt, tác giả lại vinh dự được GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, vui lòng nhận lời mời làm đồng chủ biên để chỉ bảo thêm về cách xử lý trên những khía cạnh mà cho đến lúc đó, còn ít nhiều nhạy cảm. Được như thế thì lại càng phải thận trọng hơn, vì tác giả tự thấy mình không được phép để người đồng nghiệp và cũng là cấp trên khả kính của mình phải chịu bất kỳ một ảnh hưởng nào do những sơ suất dù nhỏ nhất của người viết. Để thử phản ứng của dư luận, chúng tôi đã chọn hai trường hợp phá rào đã được chính thức ghi nhận mặt tích cực để xuất bản dưới hình thức những tập sách tham khảo mỏng[1]. Sau đó, tác giả đã tự lược đi tất cả những biếm họa, hò vè hài hước của dân gian và một loạt chương mục như: Khoán Vĩnh Phúc (vì nó liên quan đến uy tín của một nhà lãnh đạo lớn mà bản thân tác giả rất kính trọng), nông trường Sông Hậu (tuy là một trường hợp độc nhất trong ngành này đã phá rào thành công nhưng sau đó lại lâm vào vòng lao lý), thuốc lá Vĩnh Hội tăng sản lượng vùn vụt thì có thể lại đi ngược với xu thế của thế giới…Đến đầu năm 2009, bản thảo mới được gửi tới Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Sách đã in xong đầu tháng 7 gồm 276 trang khổ nhỏ, với tên Những mũi đột phá trong kinh tế thời trước Đổi mới.

Cứ tưởng là chuyện đã cũ rồi, và cũng không phải là chủ đề đại sự, thì chẳng mấy ai còn quan tâm. Nhưng chỉ trong vòng một tháng sau, sách đã tiêu thụ hết. Nhiều bạn đọc thấy có tên sách trên mạng, nhưng tìm mua không được. Khó xử nhất là đối với nhưng vị mà tác giả tri ân, từng tận tình giúp tác giả trong những đợt đi thực tế ở Vĩnh.Phú, Cần Thơ, Vĩnh Hội, Nhà máy Dệt Nam Định, Công ty Xe khách Miền Đông… đã gọi điện tới tỏ nỗi thất vọng vì không thấy chuyện của họ được đưa vào trong sách?

Đòi hỏi rộng rãi đó đã sớm đến tai TS. Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, ông tìm gặp tác giả và ngỏ ý muốn xem bản thảo đầy đủ. Vài hôm sau, ông ngỏ ý sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các cơ quan hữu quan về việc xuất bản, với điều kiện tác giả phải trực tiếp đứng tên và chịu trách nhiệm trước Nhà xuất bản Tri thức về độ chính xác của các tư liệu. Điều đó thì đương nhiên tác giả sẵn sàng cam kết, vì một lẽ đơn giản: Đó đều là sự thật, mà tác giả đã gặp, đã nghe, đã đọc. Thế là bản thảo đầy đủ đã được trao cho Nhà xuất bản Tri thức và được tái bản trong khuôn khổ chương trình sách “Việt Nam đương đại” với cái tên nguyên thủy của nó: “Phá rào” trong kinh tế Việt Nam vào đêm trước Đổi mới.

Trong lần tái bản này, tác giả lấy lại để đưa vào khá nhiều cuộc phá rào ngoạn mục và tiêu biểu như:

– Khoán ở Vĩnh Phúc.

– Khoán ở Nông trường Sông Hậu

– Đột phá ở Nhà máy Dệt Nam Định.

– Đột phá ở Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội.

– Khoán ở Công ty Xe khách Thành phố Hồ Chí Minh.

– Cuộc đấu tranh kiên trì gian khổ 20 năm để sửa đổi hệ thống giá.

– Những đường dây buôn bán và thanh toán với nước ngoài…

Ngoài phần lớn những chương mục do tác giả trực tiếp khảo sát và biên soạn, tác giả cũng lựa chọn để đưa lại vào đây 3 chương mà tác giả đã tiến hành cùng các đồng nghiệp trẻ, như chương Xí nghiệp Dệt Thành Công (viết cùng bạn Cao Tuấn Phong), Cơ chế một giá của Long An (viết cùng bạn Ngọc Thanh), Kho bạc (viết cùng bạn Lê Mai). Trong việc tìm hiểu những cuộc phá rào dưới đây, tác giả đã cố gắng tìm cách tiếp cận tận nơi, tận chốn, gặp những người thật, nắm bắt những việc thật. Rất may là phần rất lớn những người chủ trương và những người tham gia các cuộc phá rào vẫn còn sống, còn khỏe mạnh, còn tỉnh táo để nhìn lại cả một chặng đường gian nan nhưng ngoạn mục mà họ đã đi qua. Dĩ nhiên, có những “chiến sĩ đột phá” không còn nữa, như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc, ông Năm Hoằng ở Hậu Giang. Ở trường hợp này, tác giả phải tìm lại những tài liệu, những người đương thời và gia đình để hiểu rõ sự việc.

Tác giả xin chân thành cảm ơn các vị đã từng đứng mũi chịu sào trong những cuộc phá rào đó, nay lại sẵn sàng kể lại cho nghe, cung cấp thêm nhưng tư liệu, giúp đỡ về nhiều mặt để tác giả có thể khắc họa lại bức tranh sinh động của một thời tuy chưa phải xa lắm, nhưng có thể là khó hiểu đối với thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Các vị đó là Võ Văn Kiệt (nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thủ tướng Chính phủ), Giáo sư Trần Phương (nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Phó Thủ tướng), Đoàn Duy Thành (nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Phó Thủ tướng), Nguyễn Văn Chính (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên Phó Thủ tướng), Nguyễn Văn Hơn (nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), Bùi Văn Giao (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Long An, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), Lữ Minh Châu (nguyên Giám đốc Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), Nguyễn Văn Phi (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồng Cẩn (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản), Nguyễn Nhật Hồng (nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh) và rất nhiều vị lãnh đạo các ngành, các cơ sở kinh tế mà không thể kể hết ra đây.

Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn những đồng nghiệp là những nhà nghiên cứu kinh tê và nghiên cứu lịch sử không những đã bày tỏ sự đồng tình và khích lệ, mà còn có nhiều đóng góp trực tiếp về nội dung và phương pháp tiếp cận chủ đề này. Đó là GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Giáo sư Trần Đình Bút, Giáo sư Đào Xuân Sâm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà xã hội trong và ngoài nước.