Sa Đéc xưa và nay – Huỳnh Minh

0
33
Chuyên mục: Địa Lý Việt Nam
Tác Giả:

Vui lòng chọn định dạng file để tải.

Nền văn-hóa của một dân-tộc là thước ngọc, khuôn vàng, do giá-trị của dân-tộc ấy. Nó cũng sanh tiến với dân-tộc liên-hệ trải qua ba thời-kỳ là quá-khứ, hiện-tại và vị lai. Giữa ba thời-kỳ ấy có một mối liên-quan mật-thiết được coi là bất-di, bất-dịch. Nói một cách khác, quá-khứ chuẩn-bị cho hiện-tại và vị-lai, đến phiên mình phải làm công-việc ấy đối với tương-lai. Thế thường nói : Không (xưa) làm sao có (nay) ? Những công-việc làm của các thế-hệ trước, hay hoặc dở, đều là những bài học quí giá cho thế-hệ đi sau.

Hiểu rõ căn-bản ấy, nhà Sưu-khảo HUỲNH-MINH trong nhiều năm qua, đơn thương độc mã, đã âm-thầm làm sống lại « dĩ-vãng » nước nhà bằng cách lần-lượt trình bày dưới nhiều khía-cạnh lịch sử các tỉnh miền Nam : « Kiến-Hòa Xưa và Nay », « Bạc-Liêu Xưa và Nay », « Cần-Thơ Xưa và Nay », « Vĩnh-Long Xưa và Nay », Gò-Công, Định-Tường, Vũng-Tàu, v.v… Gần đây, ông Huỳnh-Minh sắp cho ra đời thêm một đứa con tinh-thần nữa là quyển « Sa-Đéc Xưa và Nay ». Thật là một công-trình hy-hữu, đáng khích-lệ và chắc-chắn sau này sẽ được Tổ-quốc ghi công.

Suốt thời-gian trên 80 năm Pháp thuộc và hơn phần tư thế-kỷ bị nội-chiến, cốt-nhục tương-tàn, hồn nước phiêu-bạt theo mây gió, cảnh núi xương sông máu diễn ra khắp nơi trên lãnh thổ. Ngày hôm nay, ông Huỳnh-Minh nghiễm-nhiên gợi lại dĩ-vãng của dân-tộc nghìn xưa, gián-tiếp làm sống lại trong tâm-hồn người Việt, nhứt là giới thanh-niên, tình thương quê cha mến đất tổ để nhớ lại những gì mà chúng ta phải làm, hầu khôi-phục nghĩa trọng tình xưa !

Năm 1428, sau khi đã bình được giặc Ngô, thống nhứt sơn-hà, đem lại thanh-bình cho dân-tộc, Vua Lê-Thái-Tổ trong vai tựa quyển « Lam-Sơn thực-lực » phải chẳng đã nói :

« Trẫm duy : vật bản hồ thiền, nhân bản hồ tổ. Thủy như mộc, thủy tất hữu căn. Cái kỳ bản thịnh tắc diệp mậu : nguyên thâm tắc lưu-trường. Phi tiên thế chi, nhân ân chi sở bồi giả hậu, khánh trạch chi sở chung giả hồng, an năng nhược thị tai ?

« Trẫm nghĩ : Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như cây và nước tất cả có gốc nguồn. (…) Vì rằng : gốc thịnh thì lá tốt, nguồn sâu thì dòng dài. Nếu không phải nhờ ở nhân ân bồi-đấp được dày dặn, phúc đức, chung đức được lớn lao của các đời trước thì đâu có được như thế ? »

Nay đến lượt trình bày lịch-sử « Sa-Đéc Xưa và Nay », nhà sưu-khảo Huỳnh-Minh đã mỹ-ý dành cái hân-hạnh cho tôi viết bài giới-thiệu. Nhân dịp thông-cảm này, chúng tôi cũng xin mạo-muội góp sức trong muôn một, bằng cách nêu lên những cảm-tưởng của tôi đối với tỉnh Sa-Đéc ngày xưa cũng như ngày nay, để chứng-minh tính-cách chính-xác của các mục đã được nêu lên trong quyển sách này.

Trước kia, dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Sa-Đéc được tặng cho danh hiệu là : Khu vườn của xứ Nam-kỳ (Le jardin de la Cochinchine), danh hiệu ấy để nói lên tánh-cách phì-nhiêu của điền-địa, màu sắc sum-thịnh của các loài thảo mộc (nhứt là các loại cây trái của toàn hạt).

Hơn thế nữa, nhờ sông Cửu-Long bồi-đấp, gọi là sông Tiền và sông Hậu, chảy qua rộng lớn, hai bên vườn ruộng xanh tươi, có một cảnh vừa đẹp vừa thiêng-liêng, huyền bí, bao trùm không sao tả được.

Địa-linh ấy tất phải sinh-xuất ra nhiều nhân-kiệt anh-tài lẫn văn võ, về cựu học cũng như tân học, về phương diện đạo pháp thì tỉnh Sa-Đéc lại cũng là nơi xuất hiện của những bậc chân tu, thánh triết, đem đạo từ-bi tế-độ quần sanh trong đời mạt pháp.

Các khía cạnh ấy sẽ được trình-bày đầy-đủ chi-tiết trong quyển « Sa-Đéc Xưa và Nay » mà chúng tôi được vinh-hạnh giới-thiệu cùng chư-tôn đọc-giả.

Giờ đây xin tóm-tắt cảm-tưởng của chúng tôi, trân-trọng trình lên mấy dòng thơ như sau :

« Thủy-trường » đặc-sắc đất Long-Giang.
Định, Vĩnh, Kiến, Sa hiệp một đàng.
Tú khí anh-linh đều hội đủ.

Miên tràng cảnh vật cõi Nam bang ».

TRẦN-VĂN-QUẾ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here