Sống Và Suy Ngẫm

0
257
Sống Và Suy Ngẫm

Vui lòng chọn định dạng file để tải.

V.N. Kakar là một trong những tác giả nổi tiếng nhất Ấn Độ ở thể loại truyện ngắn. Ông cũng là một cây bút xuất sắc trong lĩnh vực báo chí. Các bài viết của ông đã được đăng tải trên rất nhiều tờ báo và tạp chí lớn của Ấn Độ. Ông sinh ra ở Peshawar vào năm 1923, lấy bằng Thạc sĩ Văn chương ở đại học Punjab vào năm 1948.

Sau khi đất nước Ấn Độ bị chia cắt, năm 1948, Kakar tham gia vào bộ máy chính phủ bang Uttar Pradesh, chuyên trách mảng Thông tin. Ông từng làm cố vấn cho nhiều tổ chức như Chương trình phát triển quốc gia (UNDP), Viện phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Viện quốc gia Hợp tác cộng đồng và Trẻ em, Liên đoàn Nghị trường Ấn Độ về vấn đề dân số và phát triển…

V.N. Kakar được mọi tầng lớp độc giả Ấn Độ biết đến nhờ những câu chuyện suy tưởng ngắn gọn, súc tích và hài hước, thể hiện một tâm hồn rất nhạy cảm và một cái nhìn sắc bén. Ông lưu giữ toàn bộ những ký ức không bao giờ cũ trong cuộc đời mình theo một phong cách rất sinh động. Sống và Suy ngẫm là một tuyển tập gồm những câu chuyện thú vị, những dòng suy tưởng tinh tế. Trong cuốn sách này, ông đã lấy tư liệu từ nhiều sự kiện trong cuộc sống của chính mình cũng như của xã hội Aán Độ và thể hiện chúng theo một phong cách rất thú vị, hóm hỉnh và đậm nét trào phúng.

Ở Sống và Suy ngẫm, đặc điểm nổi bật nhất trong văn phong của Kakar chính là ngôn từ giản dị mà nhuần nhuyễn, tinh tế; cách sắp xếp, trình bày ý tưởng đầy mới mẻ, thuyết phục. Những thế mạnh đó đã thật sự tạo nên nét hấp dẫn, quyến rũ cho Sống và Suy ngẫm, khiến độc giả không thể buông rời cuốn sách ngay từ những dòng đầu tiên.

– First News

Từ những cuộc gặp gỡ với các nhân vật quyền lực nổi tiếng ở Delhi cho đến những chuyến đi thực tế, hòa mình vào đời sống bình dị của người dân Ấn Độ trên mọi nẻo đường, V.N. Kakar – một nhà báo, nhà văn nổi tiếng – đã viết nên những mẩu chuyện nhỏ đầy chất suy tưởng. Những câu chuyện ấy có khả năng len vào mọi ngóc ngách của đời sống đô thị Ấn Độ, phác nên bức tranh về tâm hồn người Ấn, về nền văn hóa sông Hằng kỳ bí, với tất cả tinh hoa và bản sắc riêng.

“Thượng đế đã ban cho tôi khả năng kể lại sự việc bằng lời văn. Vài câu chuyện bật lên được một thông điệp nào đó. Một số khác có thể khiến bạn ngừng đọc trong chốc lát để suy ngẫm. Và cũng có vài câu chuyện chỉ đơn giản là giúp bạn chấp nhận cuộc sống theo đúng bản chất của nó, cùng với một nụ cười.”

– V.N. Kakar

XE BUÝT TRONG THÀNH PHỐ

Khi có bất cứ rắc rối nào xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì chiếc xe buýt cũ kỹ đáng thương ở Delhi lại phải trả giá, ít nhất là trong một chừng mực nào đó.

Dù đã méo mó vì thời gian, nặng nề vì những trách nhiệm phải thực hiện, lại thêm thương tích đầy mình nhưng chiếc xe không một lời than vãn trong các bản báo cáo. Nó vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầy tinh thần yêu nước của mình là chở hành khách đi từ nơi này sang nơi khác với một thái độ phục vụ tuyệt vời.

Chiếc xe chỉ rời khỏi mặt đường trong một vài trường hợp bất khả kháng: vào giờ giới nghiêm hoặc bị hỏng quá nặng. Nếu là ở Mỹ hay ở Nhật, có lẽ nó đã bị nghiền nát thành những mảnh vụn trong bãi rác.

Ở Ấn Độ, chiếc xe này vẫn lui tới thường xuyên xưởng sửa chữa – ngôi nhà của những chiếc xe cũ kỹ như nó. Ở đây, nó được sửa chữa, tu bổ lại và được gia hạn hợp đồng cho thuê. Một khi quay về với những con đường, nó lại phải đối mặt với những trò công kích, có khi bởi những người Mandal, Ayodhya, Iraq hay Israel quá khích; nhưng cũng có khi chỉ vì chán học mà các sinh viên đã ném đá vào chiếc xe buýt tội nghiệp. Và dù trong trường hợp nào thì nó vẫn không được phép than phiền.

Hãy nghĩ về sự nghiệp vĩ đại mà nó phụng sự, bên cạnh việc thu ngắn khoảng cách cho những người di chuyển nhờ nó. Chiếc xe này mang người ta đến với nhau, dù họ ở Bắc hay Nam, Đông hay Tây. Nó đẩy mạnh sự thống nhất quốc gia hơn bất cứ điều gì khác. Với thái độ nhẫn nhịn tuyệt vời, nó hứng chịu sự vô kỷ luật, thiếu kiên nhẫn, những cơn giận dữ cũng như bao trò hề của hành khách. Đồng thời, nó củng cố niềm tin của họ đối với số phận và niềm tin vào khả năng vượt qua khó khăn của mình. Dù chiếc xe buýt có chật chội đến đâu, người ta vẫn biết là mình có thể bước lên xe. Và họ đã bước lên xe. Nếu không bước vào trong xe được, họ cũng đứng trên bậc lên xuống, hay thậm chí là bám vào rào chắn ở đuôi xe.

Tôi rất khâm phục cái vật vô cùng khéo léo, tài tình có tên gọi là xe buýt mi-ni này. Bề ngoài nó giống như một cái xe tang nhỏ, nhưng khi chạy trên đường, nó như một cái hộp quẹt bị vứt đi mà vẫn còn xăng bên trong. Không giống như ở các nước khác, người Ấn Độ chúng tôi không vứt đi bất cứ cái hộp quẹt nào vẫn còn xăng bên trong. Chúng tôi tiếp tục sử dụng nó bằng cách nạp vào bất cứ nhiên liệu nào khác có thể tạo ra lửa. Những cậu nhóc bán hàng nhập khẩu ở chợ làm công việc này một cách sung sướng với cái giá hai đồng rupi(1) cho một lần nạp xăng hộp quẹt như thế.

Tôi phải thú nhận rằng mình không có nhiều trải nghiệm trong việc đi đây đó ở Delhi bằng xe buýt, đặc biệt là xe buýt mi-ni. Nhưng để đáp lại tất cả những lời kêu gọi “tiết kiệm xăng dầu”, tôi đã đi xe buýt mi-ni vào ngày 31 tháng Giêng năm 1991, từ Tara đến Kasturba Gandhi Marg. Như một điềm gở, đó là chuyến xe số 13. Khi đón chuyến xe này, tôi thấy nó đã đầy nghẹt người bên trong. Nhưng người bán vé vẫn giục tôi bước lên xe. Anh ta cũng đón thêm nhiều người nữa. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải dồn tới trước để nhường chỗ cho người mới lên.

Thật ra không hề có khái niệm “phía trước” nào cả. Tất cả chúng tôi đều phải đứng ở lối đi giữa hai dãy ghế. Dồn về phía trước có nghĩa là chúng tôi sẽ ngồi lên vai người khác. Chiếc xe buýt này chỉ có thể chở tối đa 20 người nhưng sức chứa của nó vẫn không ngừng tăng lên ở mỗi trạm dừng. Đến lúc chiếc xe tới chợ Khan, tôi ước chừng nó đang chở khoảng 70 người. Dù vậy, nó vẫn chạy bon bon và thực hiện những đường cua điệu nghệ, khiến đôi lần người ta phải ngã lên nhau.

Đến trạm Kasturba Gandhi, tôi phải rất khó khăn mới ra khỏi được chiếc xe. Người bán vé tử tế đã yêu cầu những người đang đứng khác nhường chỗ cho tôi ra, và họ đã làm như thế. Khi anh ta bước ra ngoài để đón thêm khách, tôi hỏi:

– Có phải đang giờ abadi(2) nên xe mới đông như thế này không?

– Vâng, đang là giờ abadi. – Anh ta trả lời với một nụ cười hóm hỉnh. – Ở đất nước chúng ta, giờ nào cũng là giờ abadi. Nếu số lượng khách vẫn không ngừng tăng lên như thế này, chúng tôi sẽ phải sớm gắn một tầng nữa cho chiếc xe nhỏ bé tội nghiệp của mình thôi.