Sự Thật Về Quảng Cáo

0
126
Sự Thật Về Quảng Cáo

Vui lòng chọn định dạng file để tải.

“- Nếu bạn ghét quảng cáo, bạn sẽ tìm thấy ở đây đầy đủ lý do. Nếu bạn yêu quảng cáo, bạn sẽ tìm được nguồn cảm hứng.”

“Cuốn sách cho mọi người, trừ những ai chưa một lần nói láo.”

“Cuối cùng, đã có hai người làm quảng cáo biết nói thật.”

“Bí mật về những kẻ xem bạn như con rối.”

“Có những người muốn chia cách bạn và túi tiền của mình. Họ là ai?”

Trương Tiếp Trương được nhiều người biết đến với mẫu quảng cáo “nâng niu bàn chân Việt” của Biti’s. Dấu ấn sáng tạo của anh còn thể hiện qua nhiều mẫu quảng cáo như “Nghĩ lớn”- Bảo Minh CMG; “Xong việc rồi Bivina thôi” – quảng cáo cho bia Bivina… và mới nhất là “Còn chờ gì nữa” của bia Tiger. Anh Trương quan niệm, ý tưởng là cái quan trọng nhất đối với quảng cáo. Chính ý tưởng sẽ quyết định yếu tố nào cần được nhấn mạnh: hình ảnh, âm thanh hay lời thoại.

Con gà hơn nhau tiếng gáy.

Thương hiệu hơn nhau quảng cáo.

Gà không gáy chẳng hơn gì gà cúm.

Thương hiệu không quảng cáo thì ai biết đây.

Không ai biết sao gọi là thương hiệu!

Có bao giờ bạn tự hỏi, “Tại sao mỗi người sinh ra phải có một cái tên?” Tỷ dụ tên của bạn là Nguyễn Văn A. Sự hiện hữu của bạn đã được dán nhãn. Tôi là A, không phải BCDEF…

Lớn lên một chút, bạn bắt đầu nghe những nhận xét về mình. Thằng A thật ngoan, dễ thương, nhưng hơi nhút nhát, lớn lên chắc hỏng khôn lanh bằng thằng B con nhà tui đâu. À, thì ra ta là như thế.

Có lẽ con người là sinh vật duy nhất có nhu cầu định vị bản thân. Ta là con trai, phải cư xử như con trai. Không được khóc nhè, và nên chơi bắn súng, đá banh hơn là chơi búp bê. Càng lớn, áp lực phải là một ai đó càng tăng. Là con gái thì phải trang điểm, có duyên. Là nam nhi phải mạnh mẽ, thành đạt. Ngoài ra, bạn cảm thấy mình cần có một tính cách riêng. Thí dụ bạn thích nhạc trẻ và chê nhạc Trịnh là sến, mặc dù thật ra, bạn có thích một vài bài nhạc Trịnh, cũng như thấy nhiều bài nhạc trẻ vô duyên nhạt nhẽo.

Sau đó bạn quan tâm đến việc thể hiện mình. Bạn muốn người xung quanh có ấn tượng tốt về bạn. Trước khi làm một việc, thí dụ như mua một cái áo, bạn nghĩ, “Cái áo này có hợp với mình không? Liệu đám bạn sẽ khen hay chê?”

Bạn trở thành một thương hiệu. Sự sống của bạn là duy trì và phát triển thương hiệu Nguyễn Văn A. Trước tiên phải nuôi sống thân xác Nguyễn Văn A. Điều này cũng giống như nhà doanh nghiệp trước tiên phải làm ra sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn, là xây dựng thương hiệu.

Nếu bạn đậu đại học, bạn đã đặt một nền tảng vững chắc cho thương hiệu Nguyễn Văn A. Bà con họ hàng bạn bè sẽ nhìn bạn với con mắt khác. Điều này cũng giống như một sản phẩm được cấp chứng nhận ISO.

Nhưng làm sao mà mọi người biết điều này? Dĩ nhiên là phải do bạn hay gia đình bạn nói ra. Hành vi loan truyền thông tin bằng miệng kiểu này, là hình thức xa xưa nhất của quảng cáo. Tiến trình xây dựng bản ngã không bao giờ bình an. Một phần vì năng lực của bạn có hạn. Phần khác, vì điều bạn nghĩ về mình, và điều người khác nghĩ về bạn, nhiều khi không giống nhau. Và rồi trong cơn mệt mỏi, bạn nhớ lại những ngày xa xưa, khi bạn vô tư chơi đùa mà không bao giờ bận tâm với câu hỏi, “Ta là ai?”

Và bạn nghĩ giá như mình có thể sống vô tư như vậy. Nhưng đã muộn. Bạn đã ở trong vòng kìm tỏa của thương hiệu Nguyễn Văn A. Bạn đã đậu đại học. Bạn đã từng là niềm tự hào của gia đình. Bạn không thể bỏ ngang đi làm một anh tài xế xe tải. Mặc dù có người cho bạn cơ hội ấy, và bạn cũng thích cuộc sống ấy.

Đó là chúng tôi thí dụ thôi. Phần đông con người thừa nhận cuộc sống của mình như là xây dựng củng cố hình ảnh bản thân, mà ít khi tự hỏi, “Có cần thiết không? Có mang lại hạnh phúc không?”

Trước bạn bè, bạn muốn là người tự tin. Trước mặt sếp, bạn muốn tỏ ra cần mẫn. Trước người khác phái, bạn muốn họ thấy mình hấp dẫn. Cuộc sống của bạn là một chiến dịch quảng cáo khổng lồ, rất quy mô, rất đa diện.

Chẳng phải đã tới lúc, bạn lật cuốn sách mỏng này ra, và đọc xem quảng cáo là gì?