Đi Tìm An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy – Lê Văn Hảo

0
19

Thuyết-truyền vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy – với những hình-tượng Loa thành, Rùa vàng, nỏ thần, áo lông ngỗng, ngọc trai giếng nước – là một truyện cổ quen thuộc trong tâm-trí người Việt chúng ta.

Khác với thoại-thần là loại truyện bao hàm yếu-tố hoang-đường kì-diệu nhằm thần-hóa các hiện-tượng tự-nhiên, thuyết-truyền là loại truyện trong đó yếu-tố tưởng-tượng và huyễn-diệu gắn liền với thực-tại lịch-sử nhằm thần-thánh-hóa những anh-hùng lực-sĩ xuất-hiện vào cuối thời khuyết-sử và đầu thời lịch-sử.

Vua An-dương, đến sau Lạc-long-quân và các vua Hùng, là nhân-vật Lạc-việt đầu tiên đã rời khỏi miền mờ mịt của dã-sử hoang-đường để bước hẳn vào vùng sáng của những trang sử anh-hùng-ca mà dân Việt đã sống từ hai ngàn năm lẻ.

Tuy nhiên một vài nhà nghiên-cứu như Henri Maspéro vào đầu thế-kỉ này, hay mới đây Giáo sư Nguyễn-phương, người viết quyển Việt-nam thời khai-sinh (Huế, I965) ngờ vua An-dương không phải là nhân-vật có thực.

Do đó, để góp phần làm sáng tỏ một giai-đoạn xa xôi của lịch-sử tổ-tiên chúng ta, tôi muốn dựa trên một số tài-liệu vừa là học-sử, vừa là học-vật-cổ, học-ngữ-cổ và học-phong-tục mà đặt lại đề-xét vua An-dương với nước Âu-lạc (chương I và II).

Sau khi cố gắng qui-định cơ-sở lịch-sử của đề-xét, tôi theo dõi những biến-triển của câu chuyện vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy trong trí tưởng-tượng dân-gian qua các đời : một số biến cố lịch-sử địa-phương lần lần được tô-điểm bằng nhiều tình-tiết, hình-tượng và biểu-trưng mới để trở thành một tác-phẩm văn-nghệ, đưa các nhân-vật đi trên quá-trình từ lịch-sử đến thuyết-truyền (chương III).

Cũng như mọi tác-phẩm văn nghệ, thuyết-truyền là một công-trình ý-nghĩa. Phải chăng thuyết-truyền, vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy phát-dương một bài học dựng nước và giữ nước, định giá sự-nghiệp của người anh-hùng, đề-cao cảnh-giác chống chiến-tranh xâm-lược, phê-phán một quan-niệm hư-ảo về luyến-ái và hạnh-phúc trong thời loạn ? Nói khác đi, phải chăng thuyết-truyền vừa minh-chứng tấn bi-kịch một thời vừa nêu lên một số đề-xét nan-giải của con người muôn thuở (chương IV) ?

Kho tàng thuyết-truyền Việt-nam từ vua Đế-minh đến vua An-dương, qua vua Rồng xứ Lạc, vua Hùng, vua trời Phù-đổng, thật là phong phú. Ở đây, nhân « đi tìm vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy từ lịch-sử đến thuyết truyền » tôi ước ao tập-trung cố gắng nghiên-cứu suy-tư để chỉ đi sâu vào một truyện cổ mà thôi nhưng có lẽ là truyện kì-thú và phức-tạp vào bậc nhất trong nền văn-chương truyền miệng Việt-nam.

Trong tình-trạng dầu sôi lửa bỏng của nước nhà, tôi tin rằng khảo-luận văn-hóa dân tộc không phải là một cách giải-lao, thoát li hay phản bội, nhưng thiết-yếu là để đóng góp vào công cuộc đề cao tinh-thần dân-tộc và kiến-tạo văn-hóa của hòa-bình ngày mai.

Tôi ghi ơn :

– Các bạn cùng trong nhóm chủ-trương Nhà xuất-bản « Trình Bầy » đã có lòng sáng-suốt khuyến-nâng những công-tác văn-hóa khó khăn nhưng cần-thiết cho giai-đoạn hiện-tại ;

– Các chuyên viên Viện Khảo-cổ, quí vị đồng nghiệp Trường Văn-khoa, các bạn và các bậc đàn anh : Giáo-sư Bửu-Cầm, Đào-đăng-Vỹ, Nghiêm-Thẩm, Đỗ-trọng-Huề, Triều-đăng-Chế đã giúp cho tài liệu và ý kiến.

Sau hết tôi xin gửi tất cả tình mến đến em Lục-Hà đã gợi trong tôi niềm tin-yêu sự thật và sự đẹp ở văn-hóa dân-tộc.

B.v. Đồn-đất tháng 7
Phú-nhuận tháng 8-I966.
L.V.H.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here