Đông Kinh Nghĩa Thục – Nguyễn Hiến Lê

0
19

Hồi tản cư về ở Tân Thạnh (1946-1947), tôi được bác ba tôi, hiệu là Phương Sơn, giáo sư trong Đông Kinh nghĩa thục cũng là rể cụ Lương Văn Can, kể cho nghe hoạt động của trường.

Hồi cư về Sài Gòn, tôi tìm đọc trên hai chục cuốn về các nhà cách mạng thời đó, cả cuốn Đông Kinh nghĩa thục của Đào Trinh Nhất (Mai Lĩnh – 1938), vừa để kiếm thêm tài liệu, vừa soát lại những lời bác tôi kể, rồi viết cuốn Đông Kinh nghĩa thục, xuất bản năm 1956.

Tôi dùng một bài song thất lục bát của một thi sĩ khuyết danh trong tập Nam Thiên phong vận ca để dựng bố cục cho tác phẩm, cứ đầu mỗi chương tôi lại dẫn một hai câu theo đúng thứ tự trong bài.

Đông Kinh nghĩa thục ghi được không khí thời đó (1907), chép được tinh thần của các nhà cách mạng vừa hăng hái vừa “ngây thơ”, nhất là tình đoàn kết, bình đẳng trong anh em, lại có nhiều giai thoại, nhiều tình tiết lí thú, cho nên sách bán khá chạy.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung ở Bạc Liêu trong một bức thư đề ngày 21.1.69 viết: “Tôi đã đọc cả mấy bài tựa của Đông Kinh nghĩa thục và của Bài học Israël, càng thêm mến cái tâm chí của anh, và càng thêm mộ cách nói thân thương mà khéo léo của anh. Từ câu nói “Bất bình tắc minh” của Hàn Dũ mà anh nêu làm đề từ đặt ở đầu bộ Cổ văn Trung Quốc đến “càng đọc lịch sử thế giới… làm quân tốt thí trên bàn cờ Quốc tế” (Tựa Bài học Israël), qua “mỗi lần ôn lại lịch sử… vào bực nhất nhì Đông Nam Á” (Tựa Đông Kinh nghĩa thục), người nào lấy công tâm mà đọc anh nghĩa là đừng có một định kiến nào, tất sẽ nhận rằng bên trong cái dáng văn nhược thư sinh của người có tên là Hiến Lê, bao giờ cũng âm ỉ cháy một tráng chí bền chặt mà nếu chỉ nhìn thoáng qua chắc ít ai ngờ đến”.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nam, trong một bức thư không đề ngày, bảo “… nếu anh không viết quyển đó (Đông Kinh nghĩa thục) thì sự thực về phong trào đó thế nào, thật đã ai biết cho tường (tôi chưa được đọc quyển Đào Trinh Nhất). Tôi tin là trong văn nghiệp của anh, quyển sách mỏng ấy sẽ được nhắc tới nhiều như Sonate à Kreutzer (…) trong sự nghiệp đồ sộ của Tolstoi”.

Có thể do đọc Đông Kinh nghĩa thục mà Nguyễn Văn Xuân về sau viết cuốn Phong trào Duy Tân (Lá Bối xuất bản).

(Trích Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê)[1]
————-
[1] Nxb Văn học, năm 1993, trang 454-455. (Goldfish).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here