Tháp Bà Nha Trang và lược sử Chiêm Thành

0
35

Nói đến Nha trang, “phố biển hiền hòa”, “miền thùy dương cát trắng”, nằm cách Huế khoảng 624 cây số về phía nam và cách Sàigòn khoảng 442 cây số về phía bắc; không ai lại quên nhắc đến một thắng cảnh độc đáo và cũng là một thánh tích quan trọng, đó là Tháp Bà Nhatrang hay Tháp Po Nagar.
Tháp Po Nagar

Tháp Bà hiển nhiên là một kiến trúc tôn giáo đặc thù của người Chàm (hay Chăm, hay Champa) được họ gọi là Klmer. Người Chàm là cư dân bản địa xa xưa đã bị lịch xử oan khiên xóa nhòa trước đà Nam tiến của giống Việt càng ngày càng phát triển. Âu cũng là nạn nhân của luật đào thải, mạnh được yếu thua, thế nhưng thói thường thì kẻ xâm chiếm lại quay ra tôn sùng những thần linh, và tiếp thu dễ dãi văn hóa và tín ngưỡng của dân bị diệt vong. Nhiều nét của văn hóa Chàm từ ngôn ngữ, trang phục, ca dao, truyện cổ, âm nhạc, ca vũ, vv… đã thấm nhập êm ả vào đời sống của dân tộc Việt.

Tháp Bà nằm ở phía bắc thành phố Nhatrang khoảng 4, 5 cây số, trên một ngọn đồi cao cách mặt bể độ chừng 50 thước, được gọi là núi Cù Lao cạnh cửa sông lớn đổ ra biển Đông. Con sông này vốn mang khá nhiều tên theo thời gian là sông Cái, sông Ngọc Hội và cuối cùng là sông Nhatrang. Nhatrang mà thành phố biển này mang tên có nguồn gốc từ tiếng Chàm Eatran hay Yatran mà ra. “Ea” hay “Yja” hay “Ya”: có nghĩa là nước là sông; còn “tran”: là lau sậy, vì hai bên bờ sông toàn là lau sậy. (Có lẻ dân ta về sau biến chữ “tran” thành “trảng” như trảng bom, trảng bàng vv… chăng?) Như thế Eatran hay Nhatrang có nghĩa là “con sông sậy”, thuộc vùng Kauthara của Chiêm thành mà tổ tiên ta tiếp thu vào năm 1653. Một điều đáng ghi nhận là hiện nay đồng bào thượng Rhadé hay Êđê vùng Ban Mê Thuột vẫn dùng nhiều từ ngữ gốc Chàm và vẫn gọi nước hay sông là Ea. Như thế cho thấy sự liên hệ của họ với người Chàm xưa cũng gần gũi lắm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here