Quan lại ở miền Bắc Việt Nam – Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918)

0
11

Chế độ quan lại Việt Nam từ trước đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Các nhà nghiên cứu Việt Nam thường xuất phát từ tinh thần “phản phong”, từ trên lập trường dân tộc để đánh giá chế độ quan lại đó là thối nát, xa rời thực tế, xa rời dân chúng, đặc biệt là tình hình quan lại dưới thời thuộc địa. Trong không khí đấu tranh chính trị ở một nước thuộc địa, họ đã chịu tác động không ít của những cuộc luận chiến trên báo chí, lên án sự tồn tại của một chế độ quan liêu làm tay sai cho thực dân, cần phải xóa bỏ. Mặt khác, các nhà nghiên cứu phương Tây, xuất phát từ quan niệm về tổ chức bộ máy hành chính của chủ nghĩa tư bản, nên phần lớn chỉ chú ý đến mặt lỗi thời, lạc hậu của bộ máy cai trị phương Đông.

Tuy nhiên, tình hình đó đến nay đã khác. Vì một bộ máy cai trị tồn tại được qua hàng ngàn năm, không những thế còn huy động được nhân tài vật lực chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, lãnh đạo được nhân dân qua nhiều cuộc chống ngoại xâm thắng lợi, thì hẳn phải có cái gì khả thủ, cần được tìm hiểu với một thái độ thực sự cầu thị. Chính trên suy nghĩ đó mà Emmanuel Poisson đã nghiên cứu chế độ quan và lại ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn đầu chuyển tiếp từ thời đại độc lập, sang chế độ thuộc địa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Không để cho ảnh hưởng của những mô hình có sẵn tác động đến suy nghĩ của mình, tác giả đã thận trọng tìm hiểu mọi tài liệu có liên quan, chủ yếu là hồ sơ về các quan và lại trong bộ máy hành chính đầu thời thuộc địa, mà may mắn vẫn còn được lưu trữ bảo quản tốt tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 ở Hà Nội.

Trong 6 năm làm việc ở Hà Nội với tư cách là thành viên Trung tâm Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (1995-2001), Emmanuel Poisson đã tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu phong phú, không những tại các cơ quan lưu trữ, mà cả trong những tủ sách cá nhân, mà điều đáng trân trọng đối với một học giả nước ngoài, là đã khai thác toàn bộ các tư liệu bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, chữ Nôm, và tất nhiên là cả tài liệu chữ Pháp. Đây là một công việc làm cần cù và thận trọng, nếu ta biết số lượng tài liệu mà tác giả đã tham khảo khi biên soạn luận án của mình: 1272 bản lý lịch các quan và lại viên ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, hầu hết các báo cáo của công sứ, thống sứ Bắc Kỳ, thư từ trao đổi, biên bản xử án… trong một thời kỳ kéo dài hàng mấy chục năm, nói lên những khía cạnh tư liệu mà chúng ta chưa chú ý tới. Vì vậy những kết luận mà tác giả rút ra ở đây, không chỉ là những suy luận có cơ sở, mà còn dựa vào những thống kê định lượng mang tính thuyết phục hơn. Đó là một phương pháp làm việc mà giới nghiên cứu Việt Nam cần tham khảo, vì cái bệnh khái quát hóa trên cơ sở dữ liệu phiến diện vốn là một cố tật mà nhiều người trong chúng ta thường mắc phải.

Đây không chỉ là công trình nghiên cứu các hiện tượng đã qua. Vì ngay trong phần trình bày của mình, tác giả đã đặt vấn đề chuyển đổi của chế độ quan liêu đầu thời thuộc địa, nằm trong dòng chảy của những đợt cải cách quan trường được tiến hành từ thời Lê, đặc biệt là đầu thời Nguyễn trong thế kỷ 19. Và những bài học của giai đoạn chuyển tiếp này, vẫn còn có giá trị đối với chúng ta, trong chiến lược cải cách hành chính hiện nay. Nhiều vấn đề chúng ta đang suy nghĩ đã được đề cập đến cách đây một thế kỷ: đào tạo, sử dụng cán bộ các cấp, quan hệ giữa bộ máy hành chính với dân, quan hệ giữa chính quyền trung ương với địa phương, của chính quyền trung tâm với các vùng ngoại vi, theo cách nói hiện nay là vùng sâu vùng xa.

Dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, chúng tôi mong đem lại cho bạn đọc một công trình tham khảo có thể đưa đến những cuộc trao đổi và thảo luận thêm. Trong quá trình dịch thuật, chúng tôi đã được sự họp tác chặt chẽ của tác giả, đặc biệt trong việc chuyển dịch các từ ngữ hành chính xưa. Tác giả hiện là giảng viên trường Đại học Paris 7 – Denis Diderot.

ĐÀO HÙNG
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here