Donald Trump – Trò Lố Truyền Thông Hay Bộ Óc Vĩ Đại

0
243
Donald Trump – Trò Lố Truyền Thông Hay Bộ Óc Vĩ Đại
Tác Giả:

Vui lòng chọn định dạng file để tải.

Đừng coi thường Donald Trump

“Tôi đã nói vói mọi người ngay từ đầu: Đừng bao giờ đánh giá thấp Donald Trump. Ông ta đã rất thành công, ắt phải có lý do của nó. Ông ta biết cách làm thị trường, đặc biệt là đánh bóng bản thân, cực giỏi. Ông ta cũng hiểu khách hàng muốn gì.”

– Bob Vander Plaats, Chủ tịch Tổ chức Family Leader (Washington Post, ngày 14 tháng 8 năm 2015)

Như tất cả các ứng cử viên đang chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ, Donald Trump cần được xem xét một cách hết sức nghiêm túc. Suy cho cùng, ông đã đặt tiền bạc (ông cam kết bỏ tối đa 1 tỷ đô la Mỹ), thời gian và danh tiếng của mình vào cuộc đua này. Dù ai có nói gì đi chăng nữa, ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chạy đua, Trump đã áp đảo tất cả những ứng viên khác về tần suất xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Không có gì phải bàn cãi khi những vấn đề mà ông ấy nêu ra – nhập cư, thương mại bình đẳng, chính sách ngoại giao, việc làm và thâm hụt liên bang – cũng là những quan ngại chủ đạo mà các ứng viên khác, bất kể đảng phái, nêu ra.

Dù thắng hay bại, Trump vẫn đang là người trong cuộc. Ông đứng ở trung tâm cuộc chiến chính trị hết sức rối loạn diễn ra trong và ngoài Đảng Cộng hòa và ở vị trí công kích một cách kịch liệt. Một ứng viên của Đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống năm 2016 đồng nghĩa với công cuộc dọn dẹp sạch sẽ – thượng viện, hạ viện và Tổng thống cùng một Đảng. Chính xác là vì Đảng Cộng hòa chưa từng làm chủ phòng Bầu dục từ thời Tổng thống George W. Bush (2001-2009) nên áp lực đang đè nặng lên việc đề cử một ứng viên có khả năng chiến thắng người được coi là đang dẫn đầu Đảng Dân chủ, hiện tại là Hillary Clinton.

Cuốn sách này không ủng hộ Donald Trump và tôi chỉ muốn giới thiệu một bức tranh hoàn chỉnh hơn về con người này. Những suy nghĩ của Trump về đời sống chính trị, kinh doanh và cá nhân con người mình là gì? Bằng việc tìm hiểu những câu nói, những trích dẫn được lựa chọn từ cuộc sống của Trump trong suốt 40 năm qua, điều các cử tri đang quan tâm tìm hiểu, chúng ta sẽ hiểu được ông ấy nghĩ gì.

Tôi cố gắng không để bất kỳ thiên kiến nào làm ảnh hưởng tới cuốn sách này bởi Trump là một hình mẫu mang tính phân cực: người ta hoặc là yêu thích hoặc căm ghét nhân vật này, cả hai phía đều có quan điểm rõ ràng.

Tôi hi vọng cuốn sách này sẽ mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm và đưa ra nhiều khía cạnh của Trump khi đặt cuộc đời cũng như cuộc chạy đua của ông dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Liệu Donald có đánh bại Hillary? Liệu cả hai có bị quật ngã bởi Jeb? Hay có một quân tốt vùng lên từ trong bóng tối?

Không ai có thể biết. Nhưng chắc chắn một điều: Cuộc đua đã bắt đầu, số tiền đặt cược rất cao và bạn sẽ không thể loại bỏ ai cả – nhất là Trump, một doanh-nhân-muốn-trở-thành-chính-trị-gia, người đang chơi canh bạc lớn nhất cuộc đời mình.

Chúng ta đã gặp kẻ thù và hắn chính là chúng ta.

Trước cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên của Đảng Cộng hòa, hãng Fox đã tính đến một số biện pháp phòng ngừa bởi họ băn khoăn không rõ Donald Trump có đi một nước ngông cuồng ngoài tầm kiểm soát và rằng ông ta sẽ bỏ qua cương lĩnh tranh cử và biến một cuộc tranh luận chính thống thành chương trình truyền hình thực tế cho bản thân hay không. Trong sự kiện đó, người giữ vai trò dẫn dắt, Bret Baier, đã chuẩn bị một “giải pháp hạt nhân”. Theo bài báo Fox đảm bảo Bret Baier sẵn sàng cho cuộc tranh luận GOP và một bài báo đinh về Donald Trump của Stephen Battaglio trên tờ Los Angles Times ngày 9 tháng 8 năm 2015, “trong trường hợp Trump trở nên khó kiểm soát, họ sẽ nói với ông ta: ‘Trump này, trong kinh doanh, ông có luật lệ và ông theo luật đó. Chúng tôi cũng có luật lệ trên sân khấu. Chúng tôi không muốn phải áp giải ông ra thang máy bên ngoài phòng thu hình đâu’”. Baier thêm vào: “Chúng tôi hi vọng sẽ không phải dùng đến cách đó, [nhưng] phải lên đạn và sẵn sàng”.

Và như chúng ta đã thấy, Baier đã không cần đến phương án cuối cùng, nhưng Trump đã vô tình tạo ra một vụ huyên náo nho nhỏ khi tấn công Megyn Kelly, người dẫn chương trình của hãng Fox, khi cô đặt câu hỏi: “… Ông sẽ trả lời như thế nào về cáo buộc do bà Hillary Clinton, người có khả năng là ứng viên của Đảng Dân chủ, đưa ra rằng ông tham gia vào cuộc chiến chống lại phụ nữ?”

CẠNH TRANH ĐẪM MÁU

Roger Stone, một cựu cố vấn chính trị, người đã giúp Trump chuẩn bị cho cuộc tranh luận, từng cảnh báo trước với Trump cách đối đáp khi gặp câu hỏi như vậy. Theo bài Sự đau khổ tăng tiến dành cho ứng cử viên đột ngột dẫn đầu của Robert Costa và Philip Rucker trên tờ Washington Post ngày 10 tháng 8 năm 2015, Stone – người ngay sau đó tuyên bố từ chức, mặc dù Trump nói ông ta bị sa thải – đã khuyên Trump tập cách tiết chế bản thân. “Đừng bị kéo xuống bùn chỉ vì mấy đòn vụn vặt”, Stone khuyên Trump, “mà hãy bắt đầu bằng cách đưa ra một chương trình hoạt động tập trung vào kinh tế và làm cho tất cả hiểu điều gì khiến ông là ứng cử viên sáng giá duy nhất.”

Như tờ báo ghi lại, “Trump đã không để tâm gì đến lời khuyên này. Thay vào đó, sau khi lướt giở những tờ tài liệu mang theo, Trump quyết định tùy cơ ứng biến – như đã hứa.”

Thay vì giải thích, như rất nhiều người đã nghĩ, rằng ông tôn trọng phụ nữ, rằng có rất nhiều phụ nữ đang làm việc trong Tổ chức Trump và giữ những vị trí đặc biệt quan trọng, rằng không nên dùng những lời phát biểu ngẫu hứng của ông làm đại diện cho toàn bộ quan điểm cá nhân, Trump trách móc Kelly: “Thật lòng mà nói, Megyn, nếu cô không thích quan điểm của tôi, tôi xin lỗi. Tôi đã rất tốt với cô, mặc dù tôi đã có thể không như thế, dựa trên những gì cô đã đối xử với tôi. Nhưng tôi đã không như vậy.”

Nhưng ngày hôm sau, Trump trở nên điên tiết muốn trả đũa và công kích Kelly trên mạng Internet, nói rằng “mắt cô ta trào máu, chỗ nào cũng trào máu”.

Giới truyền thông phân tích và cho rằng “chỗ nào” ám chỉ kinh nguyệt phụ nữ. Trump đột nhiên bị dìm trong bể máu, bắt đầu bởi việc bị hủy buổi nói chuyện tại sự kiện Gathering RedState của Erick Erickson tại Atlanta (với vai trò là diễn giả được quảng cáo rầm rộ) diễn ra hai ngày sau đó. Tại sự kiện của mình, Erickson nói: “Tôi không muốn tối nay, con gái tôi ở trong cùng một căn phòng với Donald Trump, vậy nên ông ta không được mời. Nếu người lãnh đạo của chúng ta phải viện đến lý lẽ đó, chúng ta cần một phương án mới.”

Tạp chí Time bản điện tử (Time.com, ngày 8 tháng 8 năm 2015) đã trích dẫn lời một phát ngôn viên cho chiến dịch tranh cử của Trump: “Đây là một ví dụ khác về sự yếu kém trong khi vẫn đúng đắn về mặt chính trị. Xin chuyển lời đến những người đã trông chờ sự xuất hiện của ngài Trump: chúng tôi sẽ nhớ các bạn. Hãy đổ lỗi cho Erick Erickson, nhà lãnh đạo yếu kém và đáng thương của các người. Chúng tôi sẽ thực hiện một chiến dịch tranh cử khác tại một địa điểm khác.”

Cuộc khẩu chiến giữa Trump và giới truyền thông, giữa chính Trump và, hẳn nhiên rồi, bất cứ ai, dù cùng đảng phái, mà ông cho rằng đã đối xử không công bằng với ông, sẽ tiếp tục leo thang dù cho GOP có cố gắng kiềm chế.

Bài báo Trump bật lại nhóm GOP của Philip Rucker và Robert Costa trên tờ Washington Post ngày 9 tháng 8 năm 2015 đã tổng kết tình hình như sau: “Lo sợ rằng bài hùng biện mang tính kích động của nhà tỷ phú đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Đảng Cộng hòa, những nhà lãnh đạo Đảng hi vọng sẽ xoay sự chú ý của dư luận khỏi bài trình bày của Trump và hướng tới một cuộc thảo luận nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn giữa các thống đốc, nghị sĩ và ứng viên khác.” Tờ báo tiếp tục: “Họ ghi nhận sự thật: lối ăn nói lớn tiếng độc đáo của Trump cũng như sự đam mê của những người ủng hộ ông ta có thể mang lại nguy cơ xấu, ảnh hưởng tới cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống. Nói tóm lại, ông ta đã được cho là thất bại” sau khi đưa ra những lời nhận xét gây bất hòa với nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại bang Arizona, John McCain, và ứng cử viên cùng đảng, Carly Fiorina.

Trong khi đó, những đảng viên Đảng Dân chủ, đặc biệt là người đang chiếm ưu thế, bà Hillary Clinton, đang háo hức đặt cược thời gian, mong mỏi được nhìn thấy chiến dịch tranh cử của Donald Trump tan thành mây khói.

Có một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp vẫn đang khiến mọi người đứng ngồi không yên: Cuối cùng, nếu Trump mất đi sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa, liệu ông ta có chọn phương án ít nguy hại hơn (cho Đảng Cộng hòa – ND) là tự rút lui khỏi cuộc đua hay đứng ra tranh cử như một ứng viên tự do và khiến đảng Dân chủ nghiễm nhiên trở thành người chiến thắng? Trong lúc đó, cả thế giới, đặc biệt là Mexico, vẫn đang cùng nhau nín thở chờ đợi.

Ngày 3 tháng 9 năm 2015, Trump ký một cam kết, do Hội đồng Cộng hòa Quốc gia RNC công bố, công nhận bất kỳ ai do Đảng lựa chọn sẽ là ứng cử viên của Đảng. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng vì cam kết không có giá trị pháp lý nên Trump vẫn có thể quyết định tham gia cuộc chạy đua với tư cách là ứng viên của đảng thứ ba (trong trường hợp ông không phải là người được chỉ định) và đập tan toàn bộ kế hoạch của giới lãnh đạo đảng.

Vậy là mọi việc vẫn đang trong tình trạng bất ổn; Trump vẫn đang giữ trong tay quân bài của mình.